Trong cuộc chạm trán tại núi Võ Đang, Trương Vô Kỵ buộc phải đánh bại Phương Đông Bạch (tên thường gọi là A Đại) để lấy thuốc giải Hắc Ngọc Đoạn Tục Cao.
Phương Đông Bạch là một trong ba cận vệ trung thành bên cạnh Triệu Mẫn. Hắn có sở trường về kiếm pháp, kiếm thuật tinh kỳ vang danh thiên hạ, nổi tiếng xuất kiếm cực nhanh chẳng khác nào có bảy tám cánh tay. Với Ỷ Thiên Kiếm trong tay, lại càng như hổ mọc thêm cánh.
Trương Vô Kỵ chỉ có khoảng nửa canh giờ để học Thái Cực Kiếm Pháp từ thái sư phụ Trương Tam Phong.
Tình thế vô cùng nguy nan.
Trương Tam Phong dáng người thanh mảnh, điệu bộ từ tốn bắt đầu những chiêu thức đầu tiên.
“Vô Kỵ, con nhớ được bao nhiêu chiêu?”
“Vô Kỵ bất tài, chiêu kiếm vừa rồi chỉ nhớ được gần một nửa thôi”.
“Tốt, vậy con hãy tự nghĩ tiếp đi.”
Không lâu sau đó, Vô Kỵ thưa rằng:
“Con đã quên hơn một nửa rồi”
Trương chân nhân không nói lời nào, nhẹ nhàng lướt theo từng đường kiếm
Một lúc sau, ông hỏi:
“Vô Kỵ, lần này như thế nào?”
“Bẩm thái sư phụ, con đã quên hết tất cả rồi!”
Trương chân nhân, giọng quả quyết:
“Vô Kỵ, vậy ra đánh đi”.
Đây là một phân đoạn quan trọng trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung. Việc Trương Vô Kỵ học được Thái Cực Kiếm không chỉ là một bước ngoặt trong quá trình tu luyện võ công của anh, mà còn là một bài học sâu sắc về sự buông bỏ và tiếp thu những điều mới mẻ.
Việc “quên” này không có nghĩa hoàn toàn là quên đi mà là tạm thời loại bỏ những lối mòn suy nghĩ và kỹ thuật cũ để đón nhận cái mới một cách tự nhiên và cởi mở hơn.
Bản thân chúng ta cũng vậy, khi chúng ta dành thời gian đủ lâu cho một loại kiến thức hay một kỹ năng nào đó, chúng sẽ định hình căn tính của ta. Vô hình chung, chúng sẽ trở thành chiếc lồng giam hãm ta vào những điều ta đã tin. Chúng tạo ra một “niềm kiêu hãnh” khuyến khích ta phớt lờ các điểm yếu của bản thân và ngăn ta thực sự tiến lên.
- Tôi là một cầu thủ và tôi chỉ biết đá banh
- Tôi là một thợ hồ và tôi chỉ biết xây tô
- …và còn nhiều, nhiều nữa
Tuy nhiên, xã hội đã có nhiều tấm gương để chứng minh điều ngược lại.
Như Lão Tử đã từng nói:
Người sinh ra thì mềm yếu, chết đi thì cứng chắc
Cây cỏ sinh ra thì mềm dẻo, chết đi thì khô giòn
Cho nên tính cứng chắc thiếu linh hoạt, đồng hành cùng cái chết
Tính mềm dẻo linh hoạt, đồng hành cùng sự sống
Cứng chắc sẽ gãy, còn mềm dẻo sẽ thắng thế
(Đạo Đức Kinh)
Việc "quên" trong võ học cũng giống như việc giữ cho tâm hồn luôn mềm dẻo, sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ. Chỉ khi chúng ta biết buông bỏ những thành kiến cũ, chúng ta mới có thể mở rộng tầm nhìn và đạt được những thành công mới.