1. Bạn đã từng có ý tưởng hay (theo ý kiến chủ quan của bạn).
2. Bạn lên kế hoạch đi khảo sát thị trường.
Và bạn cảm thấy rằng, kế hoạch của mình sao quá tuyệt vời nên cần phải làm ngay kẻo chậm chân người khác sẽ “xí” trước.
3. Bạn háo hức, lao vào triển khai.
4. Lúc đầu, mọi thứ có vẻ ổn. Nhưng theo thời gian, mọi chuyện diễn ra không như kỳ vọng, sự tự tin ban đầu cũng vơi dần.
5. Đến một ngày, bạn cảm thấy mệt mỏi. Chỉ ước một điều MÌNH ĐÃ CHƯA TỪNG BẮT ĐẦU!
Nếu điều này xảy ra với bạn, thì bạn không hề đơn độc.
Tại sao lại như vậy?
Sự thật là: ĐÂY LÀ MỘT DIỄN BIẾN TÂM LÝ HẾT SỨC BÌNH THƯỜNG.
Hiệu ứng tâm lý này được nghiên cứu bởi hai nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger, còn được gọi là HIỆU ỨNG DUNNING-KRUGER. Nó thể hiện sự KHÔNG BIẾT NHỮNG THIẾU SÓT CỦA BẢN THÂN khi mới tiếp cận cái gì đó mới.
Chẳng hạn như:
- Bạn thấy việc chơi game và live stream trên Youtube có vẻ khá dễ dàng và phù hợp với khả năng của mình. Bạn lập kênh, bắt đầu chơi game và đăng tải video.
- Thấy bạn bè đầu tư chứng khoán đang có lời. Bạn học hỏi cách đầu tư, đọc một vài cuốn sách về chứng khoán. Cảm thấy có vẻ như bộ môn này cũng dễ nắm bắt, bạn xuống tiền.
- Sở hữu một quán cà phê là ước mơ từ nhỏ, bạn khao khát được tự do. Bạn nghỉ làm, thuê một bằng nhỏ để thử sức, bắt đầu con đường ra “làm chủ”. Ước mơ thật là đẹp đẽ.
Nhưng,
- Sau khi đăng tải khoảng hơn chục video, bạn nhận ra rằng để thu hút lượt xem và yêu thích trên Youtube không dễ như bạn từng tưởng tượng. Bạn chán nản, dần dần không còn nhiệt huyết để tiếp tục nữa.
- Khi bạn vừa xuống tiền thì thật không may thị trường lại quay đầu. Ngày thứ 2, bạn tiếp tục lỗ, ngày thứ 3, lại tiếp tục lỗ. Bạn cắt lỗ vào ngày thứ 4.
- Sau chuỗi ngày mộng mơ với vai trò ông chủ, bạn dần trở về với thực tại, hàng trăm thứ chi phí bủa vây.
Những chuyện không như ý định thay nhau dồn bạn vào chân tường. Bạn từ một con người ngùn ngụt quyết tâm, bỗng như rơi vào THUNG LŨNG CỦA SỰ TUYỆT VỌNG.
Đây là một bẫy tâm lý rất hay gặp, chúng ta hay tự tin quá đà vào kiến thức của mình, chúng ta ảo tưởng vào sự hiểu biết mà chúng ta đang có.
Đôi lúc, có những tiếng nói yếu ớt trong đầu bạn vang lên, cố níu kéo cảm xúc bạn lại nhưng bạn cố tính lờ đi.
Bởi vì, nó không làm bạn “mát lòng”.
Vậy nên, để giảm bớt sự ảnh hưởng của hiệu ứng tâm lý này, “trèo lên” khỏi THUNG LŨNG CỦA SỰ TUYỆT VỌNG, chúng ta cần phải chấp nhận một điều là tâm lý này sẽ luôn có mặt trên con đường chúng ta học hỏi hay làm một điều gì đó mới mẻ.
A) TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU
Bất cứ khi nào ý tưởng nảy ra trong đầu, chớ vội thực hiện ngay mà hãy cố gắng trì hoãn vài ngày hoặc vài tuần. Chúng ta cần có thời gian để kiểm định ý tưởng bằng lý trí. Đừng để sự cổ vũ quá đà của cảm xúc làm chúng ta ngộ nhận.
Vì con đường phía trước sẽ rất dài và rất gian nan nên cần tự trả lời câu hỏi “chúng ta bắt đầu vì cái gì?”
B) KHI ĐÃ TRIỂN KHAI Ý TƯỞNG
1) Đặt ra mục tiêu dài hạn nhưng khi thực hiện thì chia nhỏ mục tiêu nhỏ ra theo từng giai đoạn.
2) Tư duy quá trình thay vì tư duy kết quả.
3) Không ngừng học hỏi và cải thiện bản thân mỗi ngày.