Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mình lại sẵn sàng đi xa hơn cho một dịch vụ quen thuộc?
Bạn đã từng:
- Chạy 2 km để hớt tóc ở một tiệm quen thuộc?
- Sẵn sàng đợi 3 ngày để sửa máy lạnh?
- Chạy hơn 5 km để bảo dưỡng xe máy?
Sáng 24 tết 2024, trong không khí rộn ràng của thành phố, chiếc xe máy của tôi bất ngờ “đình công” giữa cầu Bình Lợi. Đường phố vắng tanh, hầu hết các cửa tiệm đã đóng cửa nghỉ Tết.
May mắn thay, một tiệm sửa xe ngay góc đường vẫn còn hoạt động.
Sau khi kiểm tra sơ bộ, thợ báo chi phí 320k và hẹn 6h chiều lấy xe. An tâm, tôi để xe lại cho thợ kiểm tra và bắt grab vào công ty.
2 giờ sau, thợ gửi tôi ảnh chi tiết về các phụ tùng nằm ngổn ngang dưới đất kế bên chiếc xe bị tháo tung. Thợ thông báo tình hình một số phụ tụng không thể hoạt động, đề nghị cần phải thay thế. Tổng chi phí 4 triệu 250k, hơn mười lần THỎA THUẬN BAN ĐẦU.
Không còn cách nào khác, tôi buộc phải đồng ý.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi bị bắt chẹt vô tình thế tiến thoái lưỡng nan như thế này. Những lời đề nghị sửa chữa thêm, xét ở khía cạnh nào đó cũng có ích nhưng về mặt tâm lý, nó khiến tôi như có CẢM GIÁC MÌNH ĐANG BỊ GẠT. Và đó là dấu chấm hết cho sự quay trở lại.
Đó là lý do mà khi sửa các thiết bị trong gia đình tôi luôn ưu tiên chọn những người thợ hoặc là mình đã biết rõ hoặc là họ không có thói quen “vẽ” bệnh.
Mình Cảnh là một người bạn thân và cũng là thợ “ruột” chuyên sửa máy lạnh.
Dù Bình Dương và Quận 7 cách nhau hơn một giờ đi xe nhưng tôi luôn dành sự ưu tiên cao nhất mỗi khi cần sự hỗ trợ.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sửa chữa điện lạnh, nên ngoài sự chuyên nghiệp, anh ta còn cho tôi cảm giác an tâm khi thực hiện công việc, không “vẽ” thêm những chi phí phát sinh mà những người không có chuyên môn như tôi phải luôn đặt dấu chấm hỏi.
Việc chọn một người thợ “ruột” không chỉ đơn giản là thói quen mà còn là cách chúng ta xây dựng lòng tin và sự an tâm trong cuộc sống hàng ngày. Điều này giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, công sức và đôi khi cả tiền bạc trong dài hạn.